Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Tín Nhiệm, Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật lao động số 10/2012/QH13;
- Nghị định 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ;
2. Luật sư tư vấn:
Pháp luật luôn đặt vấn đề bảo vệ bà mẹ và trẻ em lên đầu, nên quyền lợi người lao động nữ, đặc biệt là trường hợp đang nuôi con nhỏ, đang mang thai luôn được đảm bảo.
Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động - theo quy định tại Khoản 5 Điều 155 Bộ luật lao động 2012.
Ngoài ra, để cụ thể hóa điều này, tại Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ còn quy định:
Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
a) Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt , trữ sữa, nghỉ ngơi;
b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Như vậy, công ty bạn tuyển dụng một lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì phải đảm bảo những quyền lợi chính đáng cho lao động nữ đó. Bao gồm đảm bảo thời gian nghỉ giữa giờ làm việc là 60 phút mỗi ngày, vẫn được hưởng đủ tiền lương trong thời gian nghỉ giữa giờ theo hợp đồng lao động, bố trí sắp xếp phòng vắt , trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện tại nơi làm việc,.....
Theo quy định này thì luật không phân biệt thời gian nghỉ giữa giờ là trong thời gian thử việc hay làm chính thức.
Đây là điều luật mang tính nhân đạo, với mục tiêu là bảo vệ sức khỏe của lao động nữ, tạo điều kiện cho lao động nữ có thời gian chăm sóc con nhỏ tốt hơn.